Quy chế đào tạo sau đại học của Đại học Luật Hà Nội

Đăng vào 14/12/2016 11:43

QUY CHẾ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Ở ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

 (ban hành kèm theo Quyết định số 3810/KHCN ngày 10 tháng 10 năm 2007

của Giám đốc Đại học Luật Hà Nội)

Chương I

CHƯƠNG TRÌNH VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Điều 1. Mục tiêu và đơn vị đào tạo sau đại học

Đào tạo sau đại học (SĐH) trang bị những kiến thức SĐH và nâng cao kĩ năng thực hành cho những người đã tốt nghiệp đại học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức và ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của đất nước. 

            Đào tạo SĐH bao gồm đào tạo các bậc thạc , tiến sĩ và bồi dưỡng SĐH. Người theo học bậc thạc sĩ được gọi là học viên cao học, người theo học bậc tiến sĩ được gọi là nghiên cứu sinh (NCS), người tham gia chương trình đào tạo SĐH được gọi chung là học viên.

            Thạc sĩ phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, năng lực thực hành tốt, khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội; có khả năng phát hiện và giải quyết một số vấn đề học thuật và thực tiễn thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Tiến sĩ phải có trình độ cao về lí thuyết và thực hành; có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn, phát hiện và giải quyết được những vấn đề thời sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn của chuyên ngành được đào tạo.

Đơn vị đào tạo SĐH là các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu, các khoa, trung tâm đào tạo và nghiên cứu trực thuộc có đội ngũ cán bộ khoa học chính nhiệm, kiêm nhiệm mạnh với trình độ và uy tín chuyên môn cao; có khả năng xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lí chương trình đào tạo SĐH; có năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; có cơ sở vật chất, kĩ thuật cần thiết đảm bảo cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của học viên cao học, NCS và được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giao nhiệm vụ đào tạo SĐH.

Đơn vị đào tạo SĐH chịu trách nhiệm tổ chức và quản lí đào tạo những chuyên ngành đào tạo SĐH (sau đây gọi tắt là chuyên ngành) được giao theo đúng chương trình đào tạo đã ban hành và quy trình đào tạo do Giám đốc ĐHQGHN quy định đối với từng loại đơn vị đào tạo SĐH và từng loại hình thức, chương trình đào tạo SĐH cụ thể.

Căn cứ vào yêu cầu của sự phát triển khoa học - công nghệ, nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và năng lực đào tạo của mình, hàng năm đơn vị đào tạo SĐH sắp xếp, cơ cấu lại các chuyên ngành hiện có hoặc xây dựng những chuyên ngành mới, đề nghị Giám đốc ĐHQGHN xem xét cho phép tổ chức đào tạo những chuyên ngành đã có trong danh mục đào tạo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (danh mục đào tạo Nhà nước) hoặc tổ chức đào tạo thí điểm những chuyên ngành mới chưa có trong danh mục đào tạo nói trên. Việc sắp xếp, cơ cấu lại các chuyên ngành hiện có hoặc xây dựng những chuyên ngành mới tại các trung tâm đào tạo, nghiên cứu phải có sự phối hợp với Khoa SĐH.

ĐHQGHN báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sắp xếp, cơ cấu lại, mở hoặc thí điểm các chuyên ngành mới để Bộ theo dõi, tổng hợp, đánh giá, chính thức đưa vào danh mục đào tạo Nhà nước những chuyên ngành mới.

Điều 2. Hình thức dạy-học, giờ tín chỉ và tín chỉ

            1. Trong hoạt động đào tạo đại học và sau đại học, thường có ba hình thức dạy-học:

                a.   Lên lớp: học viên học tập trên lớp thông qua bài giảng, hướng dẫn của giảng viên tại lớp.

            b.   Thực hành: học viên học tập thông qua thực hành, thực tập, làm thí nghiệm, làm bài tập, đọc và nghiên cứu tài liệu, … dưới sự trợ giúp trực tiếp của giảng viên.

            c.   Tự học: học viên tự học tập, nghiên cứu theo hình thức cá nhân hoặc tổ/nhóm ở nhà, ở thư viện, trong phòng thí nghiệm, … theo kế hoạch, nhiệm vụ, nội dung do giảng viên giao, được kiểm tra-đánh giá và tích luỹ vào kết quả học tập cuối cùng.

            2.   Giờ tín chỉ là đại lượng được dùng làm đơn vị để đo thời lượng lao động học tập của học viên. Giờ tín chỉ được phân thành ba loại theo cơ cấu các hình thức dạy-học, định lượng thời gian và được xác định như sau:

            a.   Giờ tín chỉ lên lớp: gồm 1 tiết lên lớp và 2 tiết tự học.

            b.   Giờ tín chỉ thực hành: gồm 2 tiết thực hành và 1 tiết tự học.

            c.   Giờ tín chỉ tự học: gồm 3 tiết tự học.

            Thời gian quy định cho một tiết học là 50 phút.

3.Tín chỉ là đại lượng xác định khối lượng kiến thức, kĩ năng (trung bình) mà học viên tích luỹ được từ môn học trong 15 giờ tín chỉ (cùng loại hoặc khác loại) được thực hiện mỗi tuần 01 giờ tín chỉ và kéo dài trong một học kì gồm 15 tuần. Tín chỉ được dùng làm đơn vị để tích luỹ kết quả học tập của học viên.