Quá trình hình thành và phát triển
1. Cơ sở pháp lý
- Quyết định số 78 QĐ/TC ngày 29/5/1992 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Khoa Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và Sau đại học thuộc Trường Đại học Pháp lý Hà Nội.
- Quyết định số 1957 QĐ-SĐH ngày 21/9/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao học cho Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Quyết định số 372/TTg, ngày 25/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Quyết định số 5709 GD-ĐT ngày 20/8/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao các chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh cho Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Quyết định số 443/1998/QĐ-BTP ngày 22/5/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đổi tên Khoa Đào tạo Thẩm phán và Sau đại học thành Khoa Sau đại học.
- Quyết định số 2058/QĐ-BGD&ĐT-ĐH&SĐH ngày 27/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ Luật Quốc tế cho Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Quyết định số 5000/QĐ-BGD&ĐT-ĐH&SĐH ngày 01/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đổi các chuyên ngành đào tạo sau đại học đã được giao của Trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Quá trình thành lập
Ngày 29 tháng 5 năm 1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 78-QĐ/TC ngày 29/5/1992 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Khoa Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và Sau đại học, với tư cách là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tháng 4/1996, Bộ Tư pháp quyết định thành lập Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội (tách ra từ Khoa Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và sau đại học); đồng thời, đổi tên Khoa Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và Sau đại học thành Khoa Sau đại học (theo Quyết định số 443/1998/QĐ-BTP ngày 22 tháng 5 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
3. Các giai đoạn phát triển
Từ khi thành lập đến nay, Khoa Sau đại học (sau đó đổi tên thành Khoa Đào tạo sau đại học và nay là Phòng Đào tạo sau đại học) đã trải qua chặng đường phát triển gồm hai giai đoạn, gắn với sự thay đổi về tên gọi, quy mô đào tạo và số lượng các ngành/chuyên ngành đào tạo sau đại học.
- Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1992 đến năm 1998): Theo quyết định thành lập, Khoa có tên gọi ban đầu là Khoa đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và sau đại học. Với tên gọi như vậy, đào tạo sau đại học được xem là một trong hai chức năng, nhiệm vụ của Khoa. Trong những năm đầu sau khi được thành lập, đội ngũ nhân sự của Khoa gồm 04 viên chức, là đầu mối thực hiện việc tuyển sinh và tổ chức, quản lý đào tạo 04 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 04 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
- Giai đoạn thứ hai (từ năm 1998 đến nay): Khoa Đào tạo sau đại học (nay là Phòng Đào tạo sau đại học) đã có sự phát triển vượt bậc về chất lượng và số lượng ngành đào tạo. Hiện nay, với 06 viên chức (bao gồm cả viên chức quản lý và các chuyên viên), hàng năm, Phòng Đào tạo sau đại học thực hiện nhiệm vụ chủ trì tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo trung bình khoảng 450 học viên cao học và hơn 30 nghiên cứu sinh với đầy đủ 07 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 07 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Đặc biệt, cùng với sự phát triển chung của Trường, Phòng Đào tạo sau đại học đã và đang từng bước tin học hóa quy trình nghiệp vụ quản lý, tiêu chuẩn hóa các vị trí việc làm nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quản lý đào tạo sau đại học vì mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu của Trường.
Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng Đào tạo sau đại học được giao chức năng và nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Hiệu trưởng về công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Chức năng, nhiệm vụ này được giao cho Phòng Đào tạo sau đại học trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định số 1957/QĐ-SĐH ngày 21/9/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao học luật cho Trường Đại học Luật Hà Nội, Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 27/7/1994 của Thủ tướng chính phủ về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Trường Đại học Luật Hà Nội; Quyết định số 5709 GD-ĐT ngày 20/8/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao các chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh cho Trường Đại học Luật Hà Nội.
3. Các thế hệ lãnh đạo đơn vị
Từ khi thành lập đến nay, Khoa/Phòng Đào tạo sau đại học đã trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, đóng góp cho sự phát triển sự nghiệp đào tạo sau đại học của Trường:
- Từ tháng 5/1992 đến 1998: Lãnh đạo khoa gồm TS. Lê Thị Sơn (Trưởng khoa) và TS. Trần Ngọc Dũng (Phó Trưởng khoa); TS. Phan Hữu Thư (Phó Trưởng khoa);
- Từ năm 1999 đến 2008: Lãnh đạo khoa gồm TS. Trần Ngọc Dũng (Trưởng khoa) và TS. Đào Thị Hằng (Phó Trưởng khoa từ tháng 8/2003 đến tháng 8/2007); TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó Trưởng khoa từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2009);
- Từ tháng 4/2009 đến tháng 10/2010: Lãnh đạo khoa gồm TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Trưởng khoa) và TS. Nguyễn Văn Tuyến (Phó Trưởng khoa từ tháng 11/2008 đến tháng 12/2011);
- Từ tháng 12/2011 đến tháng 8/2021: Lãnh đạo khoa/phòng gồm TS. Nguyễn Văn Tuyến (Trưởng khoa/phòng); PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh (Phó Trưởng khoa/phòng từ tháng 4/2014 đến ngày 15/7/2021).
- Từ ngày 15/7/2021 đến nay: Lãnh đạo phòng gồm TS. Nguyễn Văn Tuyến (Trưởng phòng); PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân (Phó Trưởng phòng từ ngày 15/7/2021 đến nay).
4. Mở ngành đào tạo và phát triển các chương trình đào tạo
Năm 1992, Trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ theo 04 chuyên ngành đào tạo (nay là ngành đào tạo), bao gồm:
1- Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật;
2- Luật Dân sự và tố tụng dân sự;
3- Luật Hình sự và tố tụng hình sự;
4- Luật Kinh tế.
Kể từ năm 2004 trở lại đây, Trường tiếp tục được giao đào tạo thêm 02 chuyên ngành đào tạo (nay là ngành đào tạo) mới, bao gồm Luật Quốc tế (năm 2004) và Luật hiến pháp và luật hành chính (năm 2008). Riêng chuyên ngành Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm được tách ra từ chuyên ngành Luật Hình sự và tố tụng hình sự, tội phạm học và phòng ngừa tội phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Như vậy, cho đến nay Trường Đại học Luật Hà Nội đã được giao nhiệm vụ đào tạo đầy đủ 07 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ luật học và 7 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ luật học. Trong năm 2023, Trường đang triển khai các thủ tục mở thêm ngành đào tạo mới (ngành Luật) ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo danh mục thống kê ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT).
Cùng với việc mở ngành đào tạo, hiện nay Trường đã xây dựng và ban hành 13 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (gồm 07 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, 06 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng) và 07 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Bên cạnh các chương trình đào tạo nói trên được áp dụng cho các khóa đào tạo cao học và nghiên cứu sinh trong nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp xây dựng và ban hành các chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ với một số trường đại học nước ngoài như Trường Panthéon – Assas Pari II của Cộng hòa Pháp (đào tạo bằng tiếng Pháp) và Trường Đại học Tổng hợp Lund của Vương quốc Thụy Điển (đào tạo bằng tiếng Anh), Trường Đại học Tây Anh quốc (UWE) đào tạo bằng tiếng Anh.
5. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo
- Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: Cùng với việc phát triển và hoàn thiện chương trình đào tạo, Trường chú trọng đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Các phòng học được thiết kế hợp lý và được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập; hệ thống thư viện được hiện đại hóa với nhiều tài liệu phong phú, có khu vực dành riêng cho các nhà giáo, các nhà khoa học, học viên cao học và nghiên cứu sinh làm việc.
- Về đội ngũ giảng viên: Hiện nay Trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo sau đại học bao gồm 131 giảng viên, trong đó có 03 giáo sư, 31 phó giáo sư và 97 tiến sĩ. Nhiều giảng viên cơ hữu của Trường đã có các công trình công bố quốc tế và có khả năng trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ khác ở các trường đại học nước ngoài. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Trường bao gồm 216 giảng viên, trong đó có 17 Giáo sư, 61 Phó giáo sư và 138 tiến sĩ. Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học, Trường đã và đang tiếp tục thực hiện chủ trương mời thêm các Giáo sư luật học đến từ các trường đại học danh tiếng của nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước cũng như các khóa học theo chương trình liên kết với nước ngoài.
- Về hệ thống thể chế phục vụ đào tạo sau đại học: Hiện nay Trường đã ban hành đồng bộ các quy chế đào tạo sau đại học, bao gồm: Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành theo Quyết định số 3471/QĐ-ĐHLHN ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội); Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (ban hành kèm theo Quyết định số 2744/QĐ-ĐHLHN ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội). Bên cạnh đó, Trường cũng ban hành đồng bộ các quy trình tổ chức thực hiện đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo, bao gồm: Quy trình quản lý quá trình hoàn thành luận văn thạc sĩ (mã số: QT-SĐH-01) và Quy trình đào tạo tiến sĩ (mã số: QT-SĐH-02). Hiện nay, các Quy trình này đang được bổ sung, cập nhật trên cơ sở tuân thủ các quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm: Quy trình tuyển sinh trình độ thạc sĩ; Quy trình tuyển sinh trình độ tiến sĩ; Quy trình tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ; Quy trình tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ; Quy trình xét tốt nghiệp, công nhận học vị và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
- Về cơ cấu tổ chức và nhân sự của Phòng Đào tạo sau đại học: Với chức năng quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, cơ cấu tổ chức của Phòng Đào tạo sau đại học bao gồm: Lãnh đạo phòng; bộ phận thực hiện công tác tuyển sinh; bộ phận thực hiện công tác quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ; bộ phận thực hiện công tác quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ; bộ phận hành chính, giáo vụ. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức của Phòng còn có các đơn vị cơ sở của các tổ chức chính trị - xã hội như chi bộ, công đoàn phòng. Đội ngũ nhân sự hiện nay của Phòng Đào tạo sau đại học bao gồm 06 viên chức, trong đó có hai viên chức quản lý (Trưởng phòng; Phó Trưởng phòng) và 04 chuyên viên.
Với tư cách là một đơn vị trực thuộc của Trường Đại học Luật Hà Nội, Phòng Đào tạo sau đại học đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được, đồng thời từng bước củng cố, phát triển đội ngũ nhân lực của đơn vị, đổi mới phong cách làm việc vì mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia pháp luật có trình độ cao cho nước nhà.