Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

Đăng vào 01/03/2023 00:00

Theo Quyết định số 1938/QĐ-ĐHLHN ngày 03 tháng 6 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Phòng Đào tạo sau đại học có vị trí là đơn vị chức năng cấp phòng của Trường Đại học Luật Hà Nội. Chức năng của Phòng Đào tạo sau đại học là tham mưu, tư vấn và giúp Hiệu trưởng thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội theo quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 1938/QĐ-ĐHLHN ngày 03 tháng 6 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Phòng Đào tạo sau đại học có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Về công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, giải pháp phát triển hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ:

a) Tham mưu, giúp Hiệu trưởng đề xuất và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, biện pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Trường;

b) Giúp Hiệu trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Hiệu trưởng về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách, biện pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Trường.

2. Về công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ

a) Tham mưu, tư vấn cho Hiệu trưởng về kế hoạch quảng bá tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm theo quy định của pháp luật về tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ;

b) Là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về việc tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh theo kế hoạch, quy định của pháp luật về tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm;

c) Lập báo cáo về kết quả tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm, trình Hiệu trưởng ký và gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Tư pháp) theo quy định hiện hành;

d) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin về tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm để làm căn cứ cho việc thực hiện chức năng quản lý đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Trường theo quy định của pháp luật;

3. Về công tác tổ chức, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ:

a) Tham mưu, tư vấn cho Hiệu trưởng về công tác mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và công tác xây dựng, phát triển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trên cơ sở sự phối hợp công tác của các Khoa chuyên môn và các đơn vị khác có liên quan;

b) Là đơn vị đầu mối trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo toàn khóa, kế hoạch giảng dạy hàng năm đối với các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức xét tốt nghiệp và cấp bằng cho người học; xây dựng, sửa đổi bổ sung và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ của Trường về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trên cơ sở sự phối hợp của các khoa chuyên môn và các đơn vị khác có liên quan;

c) Phối hợp với các khoa chuyên môn và Phòng Tổ chức cán bộ trong việc xây dựng, phát triển và quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, chuyên viên tham gia hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;

d) Phối hợp với Phòng Quản trị và Phòng Đào tạo đại học xây dựng kế hoạch sử dụng phòng học, phòng làm việc phục vụ cho hoạt động đào tạo chung của Trường;

đ) Phối hợp với Phòng Công tác sinh viên, học viên thực hiện công tác quản lý người học thạc sĩ, tiến sĩ trong quá trình đào tạo tại Trường; công tác quản lý hồ sơ của người học và quản lý văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với Phòng Tài chính - kế toán xây dựng và tổ chức thực hiện phương án thu học phí từ người học theo chính sách chung của Trường và phù hợp với các quy định của pháp luật về chính sách học phí;

f) Phối hợp với Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí tổ chức thực hiện các quy định về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học và các quy định khác về văn bằng, chứng chỉ và bảo đảm chất lượng đào tạo;

g) Phối hợp với Phòng Thanh tra và pháp chế trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định nội bộ về tuyển sinh và tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định, quy trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Trường;

h) Phối hợp với Trung tâm công nghệ thông tin trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống phần mềm tuyển sinh và quản lý đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;

i) Phối hợp với Trung tâm thư viện và các Khoa chuyên môn xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống học liệu phục vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có trong Thư viện của Trường;

k) Lập và trình Hiệu trưởng ký các văn bản, tài liệu cần thiết trong quá trình tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. 

l) Báo cáo Hiệu trưởng về kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm và các vấn đề khác theo yêu cầu của Hiệu trưởng.

4. Về các công tác chuyên môn khác:

a) Lập và trình Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị; xây dựng bản mô tả công việc và phân công nhiệm vụ cho viên chức của đơn vị theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; lập, quản lý và nộp hồ sơ công việc của đơn vị vào lưu trữ cơ quan theo quy định;

b) Quản lý viên chức, người lao động trong đơn vị theo đúng thẩm quyền, chức trách được giao về công tác tổ chức, cán bộ.

c) Đề xuất các giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối với viên chức, người lao động trong đơn vị;

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ hoặc đột xuất về các lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng của đơn vị.

đ) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ; thực hiện kê khai tài sản, bổ sung lý lịch viên chức và người lao động trong đơn vị theo quy định của pháp luật;

e) Phản ánh, đề nghị với Hiệu trưởng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị và của Trường; đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác của đơn vị và của Trường;

f) Quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản, trang thiết bị do Trường cấp hoặc giao; thực hiện các quy định về tài chính của Trường và pháp luật;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Trường hoặc theo sự phân công của Hiệu trưởng.